Cảm giác trống vắng khi con rời tổ ấm

Cảm giác trống vắng khi con rời tổ ấm

Ảnh minh họa

Trong khi nhiều bậc cha mẹ vui mừng thấy con vào đại học, bắt đầu sống tự lập, lúc này họ sẽ có nhiều thời gian hơn cho bản thân thì một số khác lại vật lộn với cảm giác trống vắng. Cuộc đấu tranh về mặt cảm xúc này được gọi là “hội chứng tổ trống”.

Angela Pearce, một bà mẹ đến từ Úc, có 2 người con (một người 21 tuổi, người còn lại 25 tuổi). Pearce cảm thấy lạc lõng sau khi con trưởng thành và ra ngoài sống tự lập. Pearce mô tả điều này như khoảng thời gian cô phải tìm kiếm một lối sống hoàn toàn mới, điều mà trước đây cô chưa từng trải qua trong vai trò là người mẹ.

Giống như Pearce, Bernadette Pfitzner, một bà mẹ của 3 đứa con trong độ tuổi 20 – 30, cũng từng vật lộn với cảm giác trống vắng. Pfitzner nói: “Nói chuyện với bạn bè đã giúp tôi nhận ra đây chỉ là một giai đoạn khác trong quá trình nuôi dạy con”.

Không chỉ các bậc cha mẹ bình thường, những người nổi tiếng như Michelle Pfeiffer, Christie Brinkley và Rob Lowe cũng buồn bã khi con của họ lớn lên và xa nhà. Gần đây, “người phụ nữ đẹp nhất thế giới” Gwyneth Paltrow, 51 tuổi, đã tiết lộ rằng, cô gặp khó khăn khi phải xa con gái Apple, 19 tuổi, sinh viên năm thứ hai tại Đại học Vanderbilt và cậu con trai Moses, 17 tuổi.

TS. Marjorie Collins, Chủ tịch Viện Tâm lý học Lâm sàng (Úc), cho biết “hội chứng tổ trống” không được coi là tình trạng lâm sàng. Bà lưu ý hội chứng này có thể đáng quan tâm hơn trong nền văn hóa hiện đại, nơi gia đình hạt nhân thường phổ biến. 

Trong bối cảnh này, những thay đổi trong cấu trúc gia đình hoặc cách sắp xếp cuộc sống có tác động lớn hơn so với những nền văn hóa gắn với mô hình gia đình đa thế hệ.

Theo một báo cáo năm 2018, có 41,1% số cha mẹ ở Úc có cảm giác đau buồn khi chứng kiến con cái rời xa tổ ấm. Nghiên cứu quốc gia này điều tra về thái độ và mối quan tâm của người Úc trên 50 tuổi, cũng phát hiện những tiêu cực của “hội chứng tổ trống” như cảm giác thiếu vắng sự hiện diện của con (60,0%), ít liên lạc hơn với con (58,9%) và lo lắng về cuộc sống của con (56,0%).

Cảm giác trống vắng khi con rời tổ ấm- Ảnh 1.

TS. Marjorie Collins lưu ý cảm giác mất mát có thể xuất hiện ngay cả trong những năm trước khi con trẻ rời nhà. “Đó là quá trình chuyển đổi diễn ra trong một khoảng thời gian. Điều quan trọng là phải thừa nhận có những khía cạnh tích cực trong quá trình chuyển đổi này, khi cha mẹ bắt đầu tự xác định lại vai trò của mình ngoài vai trò nuôi dưỡng và hỗ trợ con cái”, bà nói.

Tìm đến huấn luyện viên “tổ trống”

Theo Jason Ramsden, một huấn luyện viên “tổ trống”, việc con cái rời gia đình thường khiến cha mẹ cảm thấy như họ mất đi công việc đã gắn bó nhiều năm. “Dù biết rằng đã đến lúc để con tự lập nhưng đó vẫn là một cú sốc đối với tôi”, Ramsden nói.

Nghề huấn luyện viên “tổ trống” đang ngày càng phát triển, với các buổi tư vấn riêng có giá 250 USD/ giờ. Nhu cầu này được thúc đẩy bởi các bậc cha mẹ cảm thấy trống vắng sau nhiều năm nuôi dạy và gắn bó con cái nhưng lại phải chia xa con. 

Kenny Hayslett đến từ bang Florida (Mỹ) trải qua cảm xúc vui buồn lẫn lộn khi đứa con lớn vào đại học. Và năm ngoái, khi đứa con thứ hai là Camden cũng rời tổ ấm để học đại học, Hayslett cảm thấy buồn bã tột độ. 

Cảm giác trống vắng khi con rời tổ ấm- Ảnh 2.

Thuật toán của TikTok đã gợi ý Hayslett xem các video của Ramsden. Và sau đó, Hayslett đã chi 2.000 USD để được nói chuyện hằng tuần qua cuộc gọi video với Ramsden trong khoảng 3 tháng trước khi Camden rời gia đình.

Trước đây, do lo lắng chuyện đi công tác xa và không có thời gian cho gia đình, Hayslett chuyển sang làm nhân viên tư vấn bất động sản sau khi con đầu lòng chào đời. Trong nhiều năm, người đàn ông này đã chăm sóc, đồng hành cùng các con; anh dạy con chơi bóng bầu dục, hướng dẫn con làm bài tập về nhà và đi du lịch cùng với các con mà không có mẹ của chúng. 

Từng là vận động viên nhảy sào ở trường đại học, Hayslette bắt đầu huấn luyện nhảy sào cho Camden từ lớp 7. Người cha này sau đó cũng làm huấn luyện viên chạy bộ ở trường trung học của con. Với con út Kate, hiện là học sinh cuối cấp trung học, Hayslett định sẽ kết nối lại với Ramsden để được hỗ trợ. 

“Tôi sẽ lại tìm đến anh ấy vì chúng tôi sắp trải qua cảm giác đó một lần nữa”, Hayslette a nói. Trong ký ức của mình, anh và con gái đã nhiều lần cùng nhau đến Manhattan (Mỹ), nơi hai cha con ghé các cửa hàng búp bê và xem nhạc kịch.

Camden hiểu tại sao cha mình buồn và điều đó không làm cậu ngạc nhiên. Lần duy nhất, Camden thấy cha khóc là khi gia đình tạm biệt anh của Camden sau khi đưa anh đến trường. Điều người con không ngờ là Hayslett đã tìm đến huấn luyện viên “tổ trống”. 

Nhưng cậu tin rằng điều đó giúp ích cho cha. Hiện tại, hai cha con nói chuyện với nhau mỗi ngày. Điều này giúp Hayslett biết điều gì đang diễn ra với con, từ đó giảm đi cảm giác trống vắng hoặc mất kết nối.

Cảm giác trống vắng khi con rời tổ ấm- Ảnh 3.
Chuyển nhà để theo con vào đại học

Vợ chồng Chad và Laura Mitchell luôn đồng hành cùng con gái Kahley trong quá trình cô bé trưởng thành. Năm 2020, khi Kahley chuẩn bị rời gia đình ở Bắc Virginia (Mỹ) để theo đuổi bằng cử nhân Nghệ thuật về biểu diễn âm nhạc tại Đại học bang Pennsylvania (Mỹ), Chad và Laura biết rằng họ sẽ rất nhớ con gái. 

Để hỗ trợ Kahley trong quá trình chuyển đổi từ trường trung học lên đại học và tham gia các buổi biểu diễn của con, hai vợ chồng quyết định chuyển nhà đến thị trấn nơi Kahley học đại học.

Gia đình Mitchell rời khỏi ngôi nhà họ đã sống trong 30 năm để đến State College, thị trấn nơi Đại học bang Pennsylvania tọa lạc. Chad, một cựu sinh viên của Đại học bang Pennsylvania, cho biết quyết định này được cả gia đình thống nhất. 

Laura, mẹ của Kahley, nói: “Tôi nghĩ chúng tôi đã tạo ra một môi trường hỗ trợ để con gái đỡ áp lực chuyện học hành và giải tỏa căng thẳng cũng như xin lời khuyên hay nói về bất kỳ thách thức nào mà nó gặp phải”.

Chad và Laura đại diện cho xu hướng ngày càng tăng các bậc cha mẹ chuyển nhà để sống gần con cái, thường là muốn chống lại cảm giác cô đơn và giữ liên lạc với con trong những giai đoạn quan trọng của cuộc sống như vào đại học. 

Giống như nhiều người khác, Jeff Vasishta, một người cha đơn thân đến từ Westchester (Mỹ), đang vật lộn với cảm giác trống vắng khi con gái Milaan rời nhà đi học đại học. Để ở gần con, anh định mua nhà mới gần ngôi trường của con, Đại học Bennington. “Tôi chỉ cần nghĩ đến việc không được ở bên con là tôi đã thấy cô đơn rồi”, người cha 55 tuổi này nói.

Jeff, một tiểu thuyết gia, bày tỏ lo lắng về tương lai khi con gái út Samara, một thần đồng bóng đá 16 tuổi, sắp rời khỏi tổ ấm. Jeff nói: “Tôi thích ở bên các con của mình. Cho dù là thảo luận về sách với Milaan hay luyện tập với Samara, chúng tôi đều rất vui vẻ khi bên nhau”.

Yamalis Diaz, nhà tâm lý học trẻ em và trẻ vị thành niên tại NYU Langone Health, nhấn mạnh rằng các quyết định về việc chuyển nhà của gia đình nên ưu tiên nhu cầu của con cái hơn là mối quan tâm về mặt cảm xúc của cha mẹ. 

Việc chuyển nhà nên dựa trên các nhu cầu thực tế của con, như cần nhiều sự hỗ trợ của cha mẹ, sống ở nhà thay vì ở ký túc xá… Điều quan trọng là hiểu được nhu cầu xã hội, cảm xúc của con và thảo luận về cách cha mẹ có thể hỗ trợ con trong quá trình chuyển đổi lên đại học.

Về phần những đứa con, việc xa cha mẹ không phải lúc nào cũng buồn bã. Đối với Kahley, tin cha mẹ và em trai Charles, 18 tuổi, sẽ chuyển đến sống cách trường đại học của cô 6 phút di chuyển thực sự khiến cô sốc. Nhưng Kahley đã chia sẻ rằng có cha mẹ ở gần thực sự tốt. 

Cô đã quen với sự hiện diện của họ đến nỗi chọn sống ở nhà thay vì ở ký túc xá. Cô gái trẻ cho biết điều này giống như sống trong giấc mơ của nhiều sinh viên. “Việc cha mẹ tôi chuyển đến gần trường của tôi là một cách hữu ích để tiết kiệm tiền”, Kahley nói.

Năm 2020, khi Jaden Reed vào Đại học bang Iowa để học ngành truyền thông, cha mẹ cô cũng quyết đi theo. Mẹ của Jaden thậm chí còn kiếm được việc làm tại trường đại học và chuyển đến sống cách trường 15 phút đi xe. 

Ban đầu, Jaden lo lắng khi nghĩ đến việc bị cha mẹ xen vào cuộc sống cá nhân. “Tôi thực sự nghĩ rằng mình sẽ gặp họ ở mọi nơi tôi đến. Nhưng cha mẹ thực sự cho tôi không gian để sống cuộc sống của mình và tận hưởng sự độc lập”, cô cho biết.

Kế hoạch chuyển đến Vermont để gần con gái Milaan của Jeff không thành công vì Milaan không ủng hộ. Cái nhăn mặt của Milaan chính là lời cảnh tỉnh cho Jeff. “Tôi vừa mới từ bỏ ý định đó… Con gái tôi muốn có không gian riêng và tôi cũng cần sống cuộc sống của riêng mình. Nhưng tôi sẽ gọi FaceTime với con bé mỗi ngày”, Jeff nói.

Nguồn: ABC News, Wall Street Journal, New York Post

Nguồn thông tin từ: Phunuvietnam.vn

You might also like