Phát triển toàn diện trẻ thơ thông qua giáo dục cha mẹ ở Kon Tum

Phát triển toàn diện trẻ thơ thông qua giáo dục cha mẹ ở Kon Tum

Ảnh minh hoạ: UNICEF Viet Nam

Mô hình giáo dục cha mẹ chăm sóc phát triển toàn diện trẻ thơ tại tỉnh Kon Tum được các cấp Hội LHPN triển khai gắn với chương trình hoạt động liên quan của Hội, nhằm giải quyết một số vấn đề cấp bách của phụ nữ và trẻ em.

Hiệu quả xã hội tích cực từ mô hình cha mẹ có con từ 0-10 tuổi

Báo cáo của Hội LHPN tỉnh Kon Tum cho thấy, tại các địa bàn có mô hình, tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng giảm, sức khỏe được cải thiện, vệ sinh tốt hơn, ít bệnh tật hơn. Trẻ tự tin, mạnh dạn, lễ phép trong cuộc sống cũng như đã biết tìm đến sự hỗ trợ, giúp đỡ của người lớn khi gặp nguy hiểm. Đây là kết quả đáng mừng bước đầu từ hoạt động của mô hình nhóm cha mẹ có con từ 0-10 tuổi tại Kon Tum.

Bà Y Phương, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Kon Tum cho biết, trên cơ sở các mô hình giáo dục cha mẹ chăm sóc phát triển toàn diện trẻ thơ dựa vào cộng đồng được tổ chức Plan hỗ trợ thành lập và đi vào hoạt động hiệu quả, Hội LHPN tỉnh đã hướng dẫn các cấp Hội tổ chức các hoạt động nhân rộng mô hình gắn với chương trình hoạt động liên quan của Hội. Tính đến ngày 30/5/2024, tại 10/10 huyện, thành phố tỉnh Kon Tum đã nhân rộng được 95 nhóm, nâng tổng số nhóm lên 199 nhóm cha, mẹ có con từ 0-10 tuổi, mỗi nhóm trung bình 3-5 tình nguyện viên và từ 30-40 ông bố, bà mẹ tham gia sinh hoạt.

Phát triển toàn diện trẻ thơ thông qua giáo dục cha mẹ ở Kon Tum- Ảnh 1.

“Thông qua mô hình nhóm cha mẹ có con từ 0-10 tuổi đã giúp các bậc cha mẹ, đặc biệt là cha mẹ người dân tộc thiểu số (DTTS) thay đổi nhận thức, nâng cao kỹ năng giáo dục trẻ phù hợp theo từng giai đoạn phát triển; hiểu biết hơn về chăm sóc sức khỏe, bảo vệ con, các bà mẹ cho con bú trong thời gian dài hơn, chế biến được các món ăn đủ dinh dưỡng cho con từ nguồn thực phẩm có sẵn tại gia đình; biết đưa con đi tiêm phòng, đi khám bệnh khi con ốm, thực hiện ngăn ngừa nguy cơ tai nạn thương tích, nguy cơ xâm hại cho trẻ; hiểu biết tầm quan trọng của việc học hành đối với con, dành thời gian tâm sự với con, hỗ trợ con mọi mặt trong cuộc sống. Đặc biệt là góp phần thay đổi định kiến giới về vai trò chăm sóc và giáo dục con cái, các ông bố hiểu rằng mình cũng cần có sự tham gia, chia sẻ với vợ trong quá trình nuôi dạy con”, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Kon Tum Y Phương khẳng định.

Thời gian qua, thông qua sinh hoạt mô hình, các ông bố, bà mẹ có cơ hội được giao lưu, chia sẻ với nhau về kiến thức, kĩ năng, kinh nghiệm nuôi dạy con. Mô hình cũng mang lại hiệu quả xã hội tích cực, thu hút được sự quan tâm của các cấp, các ngành, nhà trường, cộng đồng trong phối hợp chăm sóc, giáo dục trẻ thơ; giúp cán bộ Hội phụ nữ thực hiện tốt hơn nhiệm vụ vận động, hỗ trợ phụ nữ xây dựng gia đình hạnh phúc, bền vững.

Trẻ em là trung tâm chăm lo, bảo vệ

Phát huy hiệu quả của mô hình, trong thời gian vừa qua, Hội LHPN tỉnh Kon Tum cũng đã tổ chức các hoạt động hội thảo tạo sự lan tỏa trong cộng đồng như: Hội thảo về nâng cao chất lượng chăm sóc và giáo dục trẻ em gái vùng DTTS, phòng chống xâm hại tình dục trẻ em; Hội thảo mở rộng cấp tỉnh về phối hợp liên ngành để giải quyết vấn đề suy dinh dưỡng trẻ dưới 5 tuổi; lồng ghép giới, chia sẻ sáng kiến cải thiện dinh dưỡng trẻ em trong Cuộc vận động xây dựng gia đình 5 không 3 sạch, góp phần vun đắp giá trị gia đình Việt Nam…

Phát triển toàn diện trẻ thơ thông qua giáo dục cha mẹ ở Kon Tum- Ảnh 2.

Hội LHPN tỉnh Kon Tum cũng đã chủ trì giám sát việc thực hiện các quy định tại Điều 90, Luật Trẻ em số 102/2016/QH13 quy định về trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các cấp trong thực hiện quản lý Nhà nước về trẻ em tại các huyện, thành phố. Đồng thời, kiến nghị cấp có thẩm quyền, các ngành liên quan tiếp tục thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ về công tác trẻ em; giám sát việc thực hiện quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội tại 10 huyện, thành phố.

Thông qua triển khai các hoạt động của mô hình, đã có 90 lượt cán bộ Hội phụ nữ huyện, thành phố, 387 lượt cán bộ Hội phụ nữ của 95 xã/phường, 787 tình nguyện viên được tập huấn nâng cao năng lực kiến thức, kỹ năng về điều hành nhóm cha mẹ có con từ 0-10 tuổi. Từ đó, biết áp dụng các kiến thức chăm sóc trẻ, biết cách chế biến các nhóm thực phẩm sẵn có tại gia đình, địa phương để chăm sóc trẻ, góp phần giảm tỷ lệ trẻ em trong độ tuổi suy dinh dưỡng của tỉnh.

Nhằm hỗ trợ, cải thiện, kết nối các dịch vụ chăm sóc, giáo dục trẻ thơ tại các vùng DTTS được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, giáo dục tốt hơn, Hội LHPN tỉnh đã tổ chức các cuộc truyền thông và kết nối nhóm cha mẹ với các dịch vụ y tế, giáo dục, tư pháp tại địa phương để các ông bố, bà mẹ có nhu cầu tư vấn, hỗ trợ khi cần thiết.

Hội còn trao tặng 416 hộp sữa bột cho trẻ em với tổng trị giá 262 triệu đồng cho trẻ em DTTS; duy trì mô hình liên kết “Trồng rau sạch”, mô hình “Nuôi gà, heo thịt sạch”; mô hình “Trồng rau sạch đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm”, mô hình “Mỗi hộ gia đình có vườn rau sạch và nuôi từ 5 con gia cầm trở lên” để phòng chống suy dinh dưỡng và tăng thu nhập.

Phát triển toàn diện trẻ thơ thông qua giáo dục cha mẹ ở Kon Tum- Ảnh 3.

Tăng cường vai trò của nam giới trong gia đình

Bên cạnh những kết quả đáng mừng, bà Y Phương, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh cũng thằng thắn thừa nhận việc nam giới tham gia các buổi sinh hoạt nhóm U10 còn nhiều hạn chế. Trong đó, phải kể đến tỷ lệ nam giới tham gia các buổi sinh hoạt nhóm cha mẹ có con dưới 10 tuổi còn thấp (mới chỉ có khoảng 30% tổng số các ông bố tham gia các buổi sinh hoạt).

Theo lãnh đạo Hội LHPN tỉnh Kon Tum, trong thời gian tới, để nam giới tích cực tham gia các buổi sinh hoạt nhóm cha mẹ có con từ 0-10 tuổi, Hội sẽ tăng cường tuyên truyền và giáo dục về vai trò của nam giới trong chăm sóc và giáo dục con cái; tạo điều kiện thuận lợi cho nam giới tham gia bằng cách tổ chức các buổi sinh hoạt vào thời gian phù hợp hơn. Đồng thời, phát triển các chương trình hỗ trợ, động viên nam giới tham gia tích cực vào các hoạt động gia đình.

Nguồn thông tin từ: Phunuvietnam.vn

You might also like